Cánh đồng lúa tôm ở ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Áp lực ngày càng lớn
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất trồng lúa 3,9 triệu ha, trong đó có 700.000ha canh tác ba vụ; tổng sản lượng hơn 24 triệu tấn (chiếm 56% cả nước); cung cấp 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Sản xuất lúa cũng là nguồn phát thải khí nhà kính. Dẫn các số liệu thống kê, ông Tùng chỉ ra, nông nghiệp phát thải 88,6 triệu tấn CO2 (carbon dioxide tương đương) mỗi năm. Trong nông nghiệp, 75% tổng lượng khí thải là methanol (CH4), trong đó 75% là từ sản xuất lúa. “Áp lực sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính ngày càng lớn đối với nông dân trồng lúa ở châu thổ Cửu Long”, ông Tùng cho biết.
Cũng theo đại diện Cục Trồng trọt, nỗ lực giảm phát thải từ sản xuất lúa đang gặp nhiều trở ngại, như: hiện các địa phương vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng vấn đề giảm phát thải; thiếu cơ chế thúc đẩy, động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp; chi phí cho sản xuất lúa theo quy trình canh tác carbon thấp vẫn còn cao; thất thoát sau thu hoạch còn cao (hơn 10%)…
Còn theo bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tại Đông Nam Á, 5% lượng CO2 thải ra do các hoạt động canh tác lúa. Hoạt động canh tác lúa sản sinh ra khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh là CH4 và N2O. Ở Việt Nam, khí thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm 25-30% tổng lượng khí thải và một nửa trong số đó đến từ các hoạt động sản xuất lúa gạo. “Chúng ta biết phương pháp canh tác có thể giảm lượng khí thải và tăng năng suất, nhưng thách thức là làm sao để nông dân áp dụng trọn gói các phương pháp cải tiến này…”, bà Hà nêu vấn đề.
Ngoài ra, còn nhiều thách thức, đó là một số địa phương có hạ tầng thủy lợi, giao thông, thiết kế đồng ruộng tốt nhưng chưa chú trọng tiên phong trong giảm phát thải nhà kính; chưa khai thác, quản lý được phụ phẩm trong nông nghiệp như đốt rơm rạ, sử dụng nhiều phân vô cơ… làm tăng phát thải khí nhà kính. Bên cạnh chi phí sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính còn tốn kém nên người dân chưa áp dụng rộng rãi.
Cơ cấu ngành theo hướng bền vững
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quan điểm chỉ đạo cùng địa phương và các đối tác phát triển tập trung đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, phát triển các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao. Xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Chính phủ cũng đang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với liên kết doanh nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu, đồng thời giảm thải khí carbon.
Hiện nay, dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững được Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ, thực hiện tại ba tỉnh sản xuất lúa trọng điểm ở khu vực là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp từ năm 2022-2027. Mục tiêu chính của dự án là thông qua việc đưa các gói công nghệ tiến bộ vào các vùng nguyên liệu của doanh nghiệp giúp tăng thu nhập của nông hộ nhỏ, cải thiện được chuỗi liên kết của chuỗi giá trị lúa gạo. Sẽ có 5-10 doanh nghiệp lớn trong chuỗi ngành hàng lúa gạo tham gia dự án với khoảng 200.000-500.000ha diện tích trồng lúa. Từ đó, có 300.000 nông hộ được hỗ trợ sinh kế. Dự án cũng sẽ giúp tăng năng suất lúa khoảng 5%, trong khi chi phí giảm từ 10-15%, từ đó, lợi nhuận của nông dân thu được tăng khoảng 10-15%. Đặc biệt, giảm phát thải khoảng 200.000 tấn khí CO2, giảm 20-30% chất thải hóa học, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào. Thực hiện được mục tiêu này, dự án sẽ mời gọi các doanh nghiệp kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia, triển khai phương pháp canh tác lúa cải tiến, giảm lượng khí thải.
Hiện các giải pháp phát triển bền vững đang được đề xuất và triển khai mạnh mẽ. Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn cho rằng, nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu vào năm 2030 giảm khoảng 10% khí phát thải nhà kính, cần tập trung vào: Tuyên truyền nâng cao nhận thức giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung cho người nông dân hiểu, biết về phát thải khí nhà kính; chỉ ra nguyên nhân, hậu quả và cách làm để người dân chung tay cùng thực hiện.
Tuy là vùng đất lợi thế về trồng lúa, song cần thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính. Các địa phương cần thực hiện chuyển đổi đất sản xuất 2-3 vụ lúa sang sản xuất một vụ lúa, một vụ màu. Để đạt hiệu quả bền vững, đòi hỏi mỗi địa phương phải có quy hoạch cụ thể liên quan đến sản xuất, thị trường sản phẩm cũng như chi phí đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi, cơ sở chế biến.
Trung bình mỗi năm có từ 42 đến 45 triệu tấn rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Nếu vùi rơm rạ xuống đất trong điều kiện đất ngập nước, gây yếm khí, phát thải khí. Nếu sử dụng rơm rạ vào mục đích khác nhau theo chuỗi giá trị của rơm rạ sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, như: làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón, nuôi trồng nấm… Nếu sử dụng các chế phẩm phân giải nhanh vùi vào rơm rạ sẽ tạo ra phân bón, tiết kiệm được khoảng 20% lượng phân khoáng. Đây là khoản lợi nhuận lớn, tạo ra thu nhập cho người nông dân.
Điều quan trọng nữa, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp cần lấy con người làm trung tâm, thay đổi hài hòa sự phát triển. Vì vậy, tăng thu nhập cho người dân canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng cách quản lý chuỗi: người sản xuất, người cung cấp đầu vào, canh tác đúng kỹ thuật, áp dụng công nghệ canh tác… để kiểm soát được các khâu trong chuỗi sản xuất, kéo giảm phát thải.