Giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động chăn nuôi tại Việt Nam

Là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng hoạt động nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu, khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 30% tổng lượng phát thải toàn quốc.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tính đến tháng 8/2022, đàn lợn cả nước có 28,7 triệu con (tăng 6,8% so với cùng kỳ 2021), đàn gia cầm đạt 530 triệu con (tăng 3,6% so với cùng kỳ 2021); tổng đàn trâu hiện có 2,26 triệu con (giảm 0,6%); đàn bò 6,42 triệu con (tăng 3,2 %). Ngoài ra, nước ta có đàn dê 2,66 triệu con và đàn cừu 118 nghìn con.

Hiện cả nước có khoảng 13.752 trang trại chăn nuôi quy mô lớn (từ 1000 con lợn, bò, dê… trở lên) và khoảng 35.000 cơ sở chăn nuôi quy mô vừa. Tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 lên đến 81,8 triệu tấn/năm, trong đó chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm chiếm 8,1%, bò sữa chiếm 4,9% trong tổng lượng chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng trên được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Hiện trạng phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi

Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: khí mê tan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Theo kết quả điều tra năm 2016, lượng KNK phát thải từ dạ cỏ của động vật nhai lại chiếm tỷ trọng cao nhất là 444 ngàn tấn khí CH4 (tương đương 12,42 triệu tấn CO2e), tiếp đến là phát thải từ phân động vật bao gồm 11,2 ngàn tấn khí N2O (tương đương 2,97 triệu tấn CO2e) và 112 ngàn tấn khí CH4 (tương đương 3,13 triệu tấn CO2e).

Trong số các động vật có phát thải khí mê tan từ dạ cỏ thì bò sữa gây phát thải nhiều nhất, khoảng 68 kg khí CH4/con/ năm. Tiếp theo đó là bò thịt và trâu, từ 47 – 55 kg CH4/con/năm, ngựa có hệ số phát thải thấp, chỉ 18 kg CH4/con/năm. Các động vật ăn cỏ còn lại như dê, cừu có hệ số phát thải không đáng kể, khoảng 5 kg CH4/ năm. Tuy nhiên, do số lượng chăn nuôi bò thịt và trâu ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí mê tan hàng năm từ bò thịt lên tới 245 ngàn tấn, tiếp theo là trâu với 138 ngàn tấn và bò sữa là 19 ngàn tấn/năm.

Phát thải khí mê tan từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí mê tan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt và bò sữa dẫn đến phân động vật hòa lẫn vào nước dưới dạng lỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn kị khí hoạt động. Đối với động vật chăn nuôi quảng canh thì phát thải khí mê tan từ phân động vật là không đáng kể do phân động vật thải ra thường được phân hủy trong điều kiện hiếu khí.

Phát thải khí N2O từ phân động vật xảy ra trong điều kiện phức tạp hơn, bắt đầu từ quá trình phân hủy các hợp chất chứa Nitơ trong phân động vật thành NO2 và NO3 xảy ra trong điều kiện hiếu khí do vi khuẩn Nitrosomonas  Nitrobacter. Sau đó, vi khuẩn sẽ tiếp tục khử NO2 và NO3 thành N2O và N2 trong điều kiện yếm khí. Trong môi trường có tính acid cao và độ ẩm thấp thì tỷ lệ N2O sinh ra lớn hơn nhiều và ngược lại, điều kiện đô ẩm cao và môi trường trung tính và kiềm sẽ làm giảm lượng khí N2O sinh ra. Lượng phát thải khí N2O sinh ra nhiều nhất là trong quá trình đưa phân chuồng đã ủ ra bón trên đất có tính acid cao và độ ẩm thấp. Thống kê năm 2016 cho thấy, khoảng 7,54 ngàn tấn N2O (tương đương với gần 2 triệu tấn CO2e) đã phát thải ra môi trường khi bón phân chuồng cho đất. Bên cạnh đó, quá trình ủ hiếu khí chất thải chăn nuôi cũng tạo ra khoảng 3,56 ngàn tấn N2O (tương đương với 0,94 triệu tấn CO2e). Đây là 2 nguồn phát thải khí KHK nhiều nhất trong quá trình xử lý phân động vật.

Hoạt động chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2 mỗi năm

Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm khí thải Metan 30% tính đến năm 2030… Đây sẽ là thách thức đối với ngành chăn nuôi nước ta. Ngành chăn nuôi sẽ phải làm gì để giảm phát thải khí nhà kính?  Việt Nam là một nước nông nghiệp với khoảng 70% số dân sống ở vùng nông thôn. Chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô.

Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Mỗi năm chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2 nhưng việc xử lí chất thải chăn nuôi còn bất cập. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người mà còn gây sức ép tới môi trường và là tác nhân làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: Khí mê tan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Với quy mô đàn gia súc 28 triệu con lợn, xấp xỉ 9 triệu con trâu, bò và hơn 520 triệu con gia cầm, hiện mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 73 triệu tấn thải rắn; 25-30 triệu khối chất thải lỏng…. Tuy nhiên chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng trên được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Đồng bộ các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động chăn nuôi

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất thải chăn nuôi được coi là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều chu trình sinh học khác, trong đó sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi côn trùng và nuôi trồng thủy sản hướng tới nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là những ưu tiên trong những thập kỷ tới. Vì vậy, hướng tới mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất này các trang trại, cơ sở chăn nuôi phải nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho các mục đích khác nhau.

Chính phủ đã đề ra Chương trình Hành động Chính sách về Chuyển đổi sang Nông nghiệp và Lương thực Bền vững. Cụ thể, đối với phương án “E5 – Sử dụng khí sinh học thay than, gas cho đun nấu gia đình ở nông thôn”, mục tiêu đến năm 2030, sẽ có 5% trong tổng số hộ gia đình ở nông thôn sử dụng thiết bị đun nấu sử dụng khí sinh học từ chăn nuôi. Đối với phương án “E39 – Phát triển điện khí sinh học”, sẽ có 30 MW điện khí sinh học được lắp đặt vào năm 2030 để thay thế cho các nhà máy nhiệt, sau đó tăng lên 150 MW vào năm 2050.

Theo khảo sát của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), ngành chăn nuôi Việt Nam, đã có 41,8% số cơ sở chăn nuôi đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp kỵ khí có hoặc không thu hồi khí sinh học (biogas); có 32,4% số trang trại sử dụng phương pháp xử lý hiếu khí (composting); 21,9% số cơ sở chăn nuôi áp dụng các phương pháp xử lý khác; vẫn còn 3,9% số cơ sở chăn nuôi không xử lý chất thải.

Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam khởi đầu từ năm 2003 do Cục Chăn nuôi là chủ đầu tư, Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ quản, tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và Quỹ Phát triển năng lượng Endev là nhà tài trợ. Chương trình đã triển khai tại 53 tỉnh, đến nay đã có 181.683 công trình khí sinh học được xây dựng đã đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở khu vực nông thôn.

Thông qua Chương trình, Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ các bon. Qua đó, đã đóng góp cho ngân sách 8,1 triệu USD. SNV nhận định tại Việt Nam, nếu toàn ngành nông nghiệp xử lý được phần lớn chất thải để tạo ra khí sinh học, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Cùng với việc thúc đẩy phát triển tiềm năng khí sinh học xử lý các nguồn thải đối với hoạt động chăn nuôi, để giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ hoạt động này thì việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại hình chăn nuôi. Ngành chăn nuôi những năm gần đây đã và đang phát triển nhanh chóng cả về chất lượng và quy mô. Chăn nuôi phát triển nhưng các chất thải từ chăn nuôi nếu không được xử lý hiệu quả cũng tạo ra những rủi ro cho môi trường và là tác nhân làm trái đất nóng lên.

Cùng với quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng chăn nuôi, các sở ngành địa cần khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn để quản lý an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi – trồng trọt – nuôi trồng thủy sản không phát thải theo hướng quay vòng, tận thu và tái sử dụng toàn bộ chất thải.