Bán tín chỉ carbon: Tiềm năng lớn trong ngành nông nghiệp

Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ…

Thị trường mua bán tín chỉ giảm phát thải sẽ ngày càng sôi động

Chủ trì buổi trao đổi với chuyên gia về tín chỉ carbon, giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: “Trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày sôi động. Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận”.

BÁN “KHÔNG KHÍ” THU TIỀN THẬT

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến được ngày càng nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thu. Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp).

Thực tế trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon, thu “tiền tươi thóc thật” với giá trị lên đến khoảng 60 triệu USD. Trong đó, Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam đã triển khai tại 53 tỉnh, đến nay đã có 181.683 công trình khí sinh học được xây dựng đã đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở khu vực nông thôn.

Chương trình khí sinh học tại Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là đã đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua Chương trình khí sinh học, Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD.

Đặc biệt trong năm 2023, lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). WB đã thanh toán tiền ERPA đợt một cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng), đạt 80% kết quả giảm phát thải theo hợp đồng mua bán đã ký. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD sẽ được thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 còn lại.

Ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS, cho rằng Việt Nam thuộc số các quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng phát thải carbon. Việt Nam nằm trong top 20 nước có lượng phát thải carbon cao nhất năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 2010 – 2022 đạt 57,3%, thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Nhóm ngành năng lượng và công nghiệp (đốt cháy công nghiệp) chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng cơ cấu phát thải carbon của Việt Nam 12 năm vừa qua.

Theo ông Lê Hoàng Thế, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…

“Hiện cứ mỗi tín chỉ carbon (tương đương với giảm phát thải 1 tấn khí CO2) đang được các tổ chức quốc tế mua với giá 5 USD. Riêng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, tính toán tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải), có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm”, ông Lê Hoàng Thế nhận định.

THAY ĐỔI TƯ DUY ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI XU THẾ

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chương trình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Thế cho rằng Việt Nam cần có lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp để thực hiện giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Lực lượng lao động này cần có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.

“Hiện cứ mỗi tín chỉ carbon (tương đương với giảm phát thải 1 tấn khí CO2) đang được các tổ chức quốc tế mua với giá 5 USD. Riêng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, tính toán tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải), có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm”.

Ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS,

Hiện nay Công ty The VOS đã đi theo thực hành nông nghiệp tái sinh, canh tác cây keo lai, canh tác xen canh cây keo lai và trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng, canh tác rừng theo phương pháp nông nghiệp tái sinh kết hợp đầu tư chứng chỉ rừng FSC-FM. “Toàn bộ ý tưởng của thực hành nông nghiệp tái sinh là hút carbon từ không khí vào đất, từ đó giúp cải thiện đất, chu trình nước và môi trường. Trong đó chú trọng 6 nguyên tắc của nông nghiệp tái sinh là tối đa lớp phủ trên bề mặt của đất, giảm thiểu sự xáo trộn của đất, tối đa hóa dạng cây trồng, duy trì rễ sống quanh năm và tích hợp chăn nuôi”, ông Thế cho biết.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ lâu chúng ta cứ nói sản xuất theo thị trường nhưng chưa hiểu thị trường cần gì. Để xuất khẩu được vào thị trường Hoa Kỳ phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Tất nhiên không phải thị trường nào cũng đều như vậy. Nhưng cần phải hiểu đòi hỏi của từng thị trường, để quản lý Nhà nước có định hướng đưa nông sản xuất khẩu đi xa hơn, vào các thị trường cao cấp, dần dần phải có tín chỉ carbon, dán nhãn sinh thái, organic….

“Bây giờ người ta không chỉ mua sản phẩm mà còn mua cách làm ra sản phẩm đó. Câu chuyện của chúng ta là phải thay đổi tư duy để thích ứng với xu thế thay đổi của thế giới, đó mới là điều quan trọng. Tư duy khoa học phải thay đổi, tư duy doanh nghiệp phải thay đổi và tư duy của chúng ta cũng phải thay đổi. Tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thực”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng tới đây, nông dân trồng lúa không chỉ bán lúa, người trồng cây ăn quả không chỉ bán trái cây, trồng lúa còn để bán rơm rạ, trấu, cho du khách tham quan. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp còn để bán tín chỉ carbon. Đừng tưởng “bán không khí” là chuyện trên trời, thực tế chúng ta đã bán thu tiền tươi. Trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày sôi động, vì vậy nông nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận.